28/7/23
Trọng chứng hơn trọng cung trong xét xử là gì?
Trọng chứng hơn trọng cung là một trong những nguyên tắc cơ bản trong suốt quá trình tố tụng để buộc tội và xét xử nhằm xác định một cá nhân hay tổ chức có hay không có tội.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời về quy định trọng chứng hơn trọng cung như sau:
Chứng ở đây là chứng cứ nhưng chứng cứ này giới hạn ở vật chứng, tức thứ vật chất chứa đựng chứng cứ hay nói đầy đủ là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Còn cung là lời khai, lời cung của người bị buộc tội (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), của người làm chứng, người biết việc, người có liên quan, tức là lời của chủ thể là con người phát ngôn mà thành.
Từ nguyên tắc này mà hình thành nên các nguyên tắc suy đoán vô tội thể hiện qua quyền của người bị buộc tội quy định ở các điều 59, 60, 61 Bộ luật Tố tụng hình sự về việc được phép "trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".
Hay quy định về việc không được dùng lời khai duy nhất của bị can, bị cáo để buộc tội, kết tội (khoản 2, điều 98 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Cả ba thuộc tính cấu thành nên chứng cứ là khách quan, liên quan và hợp pháp đều có giá trị ngang nhau và đều đặc biệt quan trọng mà thiếu một thuộc tính thì nguồn chứng kia không được xem là chứng cứ.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp thì tính khách quan lại có giá trị vượt hẳn các thuộc tính còn lại. Bởi lời cung, lời khai là một dạng thức biểu đạt của con người rất dễ bị tác động làm ảnh hưởng đến tính khách quan đó.
Vì cùng chứng kiến nhưng góc nhìn khác đã có kết quả tường thuật khác, nhận thức hay văn hóa khác đã có lời khai khác. Còn nếu liên quan đến tính mục đích của người cung cấp lời khai, cung thì sự thật chắc chắn có lệch lạc.
Niềm tin được đặt ra cho "cung" là hạn chế và có cơ sở.
Còn đối với "chứng", thường là vật chất, là vật chứa đựng chứng cứ thì gần như không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp chủ quan của con người nên có tính khách quan rất cao trừ các trường hợp có sự ngụy tạo chứng cứ.
Vì vậy nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung trong quá trình buộc tội và xét xử được quy định chặt chẽ và ở nhiều điều khoản trong Bộ luật Tố tụng hình sự.