5/6/24
Talkshow Nhận diện lừa đảo qua mạng do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 05/06/2024
Luật sư Nguyễn Thành Công- Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật chia sẻ trong buổi Talkshow Nhận diện lừa đảo qua mạng do Báo Người Lao Động tổ chức sáng nay ngày 05/06/2024. Đông Phương Luật xin trích đăng nội dung buổi Talkshow từ báo Người Lao Động:
09:16 - 05/06/2024
Thưa luật sư Nguyễn Thành Công, nạn nhân của lừa đảo qua mạng thường là ai? Tại sao họ dễ bị lừa?
Theo Luật sư Nguyễn Thành Công, nạn nhân của lừa đảo qua mạng thường chia thành nhiều nhóm. Trong đó, chủ yếu là những người nhẹ dạ, thiếu thông tin. Một số trường hợp không đủ thông tin nhận diện được những "bẫy" lừa đảo. Một số trường hợp lại khá tự tin trong các hoạt động đầu tư, tiếp xúc với thông tin mang tính lừa đảo mà không biết đó là căn cứ, là cơ sở, là bẫy cho hoạt động lừa đảo. Từ đó bị cuốn theo và trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng.
09:32 - 05/06/2024
Thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về hiện tượng giả danh nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng; giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Toà án; mạo danh là giáo viên của trường nơi con em bị hại đang theo học, nhân viên y tế: Gọi điện cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn … Xin mời Thượng tá Lê Minh Hải phân tích, làm rõ các phương thức, thủ đoạn này?
- Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận thấy phương thức, thủ đoạn của tội phạm không gian mạng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được biểu hiện như sau:
(1) Giả danh nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng: mời chào, cung cấp các khoản vay tín dụng online, sau khi nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định thì chiếm đoạt.
(2) Giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Toà án: gọi điện hù doạ, yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP đăng nhập, chuyển tiền với lý do khắc phục hậu quả, chứng minh trong sạch.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân phải hết sức bình tĩnh nghe nội dung mà đối tượng thông báo. Công an TP HCM khẳng định không gọi điện mà chỉ làm việc bằng thông báo hẳn hoi và mời người dân đến trụ sở công an để làm việc.
(3) Lừa đảo thông qua xâm nhập trái phép vào Email của doanh nghiệp: đánh cắp thông tin hợp đồng mua bán với khách hàng, sau đó tạo lập địa chỉ Email giả mạo công ty đối tác cung cấp hàng hóa và gửi thông tin yêu cầu doanh nghiệp mua hàng chuyển tiền thanh toán trước vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng lập ra để chiếm đoạt.
(4) Gửi đường link giả mạo các công ty: thông báo vào tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook...) của người dùng nhằm chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, tạo ra các kịch bản để yêu cầu người trong danh sách bạn bè của nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân không click vào các đường link mà các đối tượng gởi vì thường là mã độc. Các mã độc này sẽ xâm nhập vào điện thoại, máy tính và thực hiện xâm nhập vào tài khoản ngân hàng.
(5) Lừa đảo thông qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá qua mạng, sau khi đã thoả thuận mua bán, khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng thì lập tức rút hết tiền hoặc chuyển tiếp bằng Internet banking qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.
(Lập các Website giả mạo thành các sàn giao dịch tài chính, ngoại hối quốc tế: kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu .... khi có nhiều người tham gia đạt một số lượng nhất định, các đối tượng quản trị sẽ cho "sập sàn" giao dịch để chiếm đoạt số tiền mà người chơi đã nộp vào tài khoản giao dịch).
Thượng tá Lê Minh Hải
(6) Gửi tin nhắn SMS mạo danh cơ quan nhà nước, ngân hàng, công ty viễn thống: thông báo qua số điện thoại của người dân với nội dung đe dọa, thông báo cổ liên đến quan νμ việc vi phạm pháp luật kèm theo đường link có chứa mã độc, khi người dân sơ hở đăng nhập vào đường link dẫn đến website yêu cầu nhận thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP theo hướng dẫn thì các đối tượng sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin, đối mặt khẩu, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
(7) Giả giáo viên của trường nơi con em bị hại đang theo học, nhân viên y tế: Gọi điện cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu tại các bệnh viện và yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phẫu thuật gấp rồi sau đó chiếm đoạt.
(8) Giả mạo các công ty truyền thông tuyển cộng tác viên thu âm giọng nói, tuyển mẫu ảnh nhí quảng cáo trên các trang mạng xã hội để thu hút những người có nhu cầu tham gia, sau đó đưa vào các nhóm chat Telegram giao nhiệm vụ mua các sản phẩm ảo tăng tương tác cho nhà tài trợ để hưởng lợi nhuận, yêu cầu chuyển khoản vào các tài khoản do đối tượng chỉ định với số tiền tăng dần và tạo lý do bị sai cú pháp trong giao dịch, buộc nạn nhân phải nộp thêm tiền đảm bảo rồi sau đó chiếm đoạt.
09:42 - 05/06/2024
Hiện nay đang có tình trạng đối tượng giả danh Cơ quan Công an gọi điện thoại cho người dân với nội dung là yêu cầu người dân làm "định danh điện tử mức 2, thậm chí là mức 3", thông qua đó yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, vậy làm sao để nhận biết đây là hình thức lừa đảo, thưa Thượng tá Nguyễn Minh Thơ?
Hiện nay, người dân đang được sử dụng 2 loại tài khoản định danh điện tử, đó là tài khoản định danh điện tử mức 1 và tài khoản định danh điện tử mức 2.
Để đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 1, công dân phải có thẻ Căn cước công dân gắn chip. Công dân có thể tự đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 1 bằng cách tải ứng dụng VNeID về thiết bị di động và nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; tự thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD. Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ
Để đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2, Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và các loại giấy tờ đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử. Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử. Trường hợp Công dân chưa có thẻ Căn cước công dân gắn chip, Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân.
Qua nội dung vừa trao đổi, chúng ta cần khẳng định một điều, việc thông báo kích hoạt để sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 1 và tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID đều được Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Hoàn toàn không có việc Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người dân; qua tin nhắn từ số điện thoại cá nhân hay qua các ứng dụng chat trực tuyến như Zalo, Facebook,…và không bao giờ yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân. Tất cả các hình thức yêu cầu người dân cung cấp thông tin, cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo như trên đều là hoạt động lừa đảo của tội phạm trên môi trường mạng.
09:49 - 05/06/2024
Ngoài những thủ đoạn lừa đảo trên, theo luật sư Trương Văn Tuấn, hiện nay thường xuất hiện hình thức lừa đảo nào à người dân cần lưu ý, thưa luật sư Trương Văn Tuấn?
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng các thủ đoạn như cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản. Sau đó dùng các thủ đoạn để biến số tiền chuyển nhầm này thành các khoản vay với lãi suất lớn.
Hoặc thông báo trúng thưởng và đề nghị chuyển tiền để nhận quà. Sau khi đối tượng lừa đảo nhận được tiền sẽ biến mất.
Thông báo khóa sim để đề nghị người đang sử dụng số điện thoại này sử dụng các thao tác kích hoạt lại sim. Từ đó làm mất thông tin cá nhân. Đối tượng lừa đảo này sẽ sử dụng các thông tin cá nhân này để thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Hoặc lừa đảo với hình thức giả dạng các luật sư giỏi, uy tín để tiếp cận các đối tượng nhẹ dạ.
09:49 - 05/06/2024
Gần đây còn có chiêu trò "Làm nhiệm vụ online, kiếm tiền thật" khiến nhiều người "sập bẫy", xin mời Thượng tá Lê Minh Hải có những cảnh báo về tình trạng này?
"Làm nhiệm vụ online, kiếm tiền thật": Làm giả mà ăn thật, làm ít ăn nhiều. Với nhiều chiêu trò kích thích người tham gia với số tiền lợi nhuận cao gấp nhiều lần với số tiền bỏ ra, khi nạp tiền vài nạn nhân nhiệm vụ thấy lợi nhuận chuyển vào tài khoản nhiều, người tham gia tiếp tục nạp tiền lớn hơn nhưng không rút được.
Lúc này các đối tượng yêu cầu phải nạp thêm vào các số tài khoản chỉ định mới có thể rút tiền về, khi nạn nhân làm vào theo thì các đối tượng sẽ thực hiện hành vi chiếm đoạt ngay và đồng thời chuyển tiếp sang nhiều tài khoản ngân hàng khác. Công an TP HCM khuyến cáo người dân phải rất cẩn thận với những lời chào mời tham gia làm nhiệm vụ online để kiếm tiền trên mạng.
09:53 - 05/06/2024
Nhiều người bị lừa vì đối tượng cắt ghép hình ảnh, tạo cuộc gọi video giả mạo người thân; chỉnh sửa, giả mạo biên lai chuyển tiền điện tử giao dịch chuyển khoản ngân hàng… Làm sao để nhận biết, thưa Thượng tá Lê Minh Hải ?
Sử dụng phần mềm "Deepfake", "Deepvolee" để cắt ghép hình ảnh, tạo cuộc gọi video giả mạo hình ảnh, giọng nói là người thân, bạn bè khiến nạn nhân lầm tưởng là người quen gọi đến với chất lượng âm thanh, hình ảnh chập chờn giống cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn do sóng di động yếu để nạn nhân khó phân biệt, không nghi ngờ mà thực hiện việc chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
Chỉnh sửa, giả mạo biên lai chuyển tiền điện tử giao dịch chuyển khoản ngân hàng để lừa nạn nhân chiếm đoạt các loại hàng hóa trong giao dịch mua bán. Giả danh ngân hàng, công ty tài chính liên lạc dẫn dụ người dân có nhu cầu vay thì phải đóng phí bảo hiểm đối với khoản vay, rồi sau đó chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân lưu ý hình thức lừa đảo này là một số người không rành về công nghệ sẽ dễ dính bẫy này. Nếu có cuộc gọi từ người thân, công an gọi video call thì chúng ta cần tắt cuộc gọi và gọi lại để để tránh bị lừa.
09:56 - 05/06/2024
Hiện nay đang xuất hiện các thủ đoạn mới, tinh vi hơn nào mà người dân cần đề phòng, thưa Thượng tá Lê Minh Hải ?
Đặc biệt, hiện nay xuất hiện các thủ đoạn mới, tinh vi hơn, cụ thể:
Đối tượng xâm nhập vào hệ thống ngân hàng, nâng hạn mức vay: Đối tượng cải đặt ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại di động rồi mở sổ tiết kiệm online với hạn mức vay thấp. Sau đó, đối tượng can thiệp vào hệ thống thông tin tài , số lớn chính của ngân hàng, chỉnh sửa mã lệnh, nâng giá trị tài sản cầm cố lên con hơn (mục đích để nâng số tiền có thể vay theo quy định của ngân hàng), thực hiện vay rồi chiếm đoạt tiền.
Đối tượng lợi dụng quyền trong hệ điều hành Android gọi là "Accessibility". Các đối tượng giới thiệu người dùng sử dụng thiết bị di dộng có hệ điều hành Android (hiện chưa phát hiện các trường hợp nào sử dụng hệ điều hành IOS), cài đặt các phần mềm giả mạo các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước (Tổng Cục thuế, Tập đoàn điện lực Việt Nam).
Sau khi người dùng cài đặt các phần mềm giả mạo này, các đối tượng lợi dụng quyền trợ năng "Accessibility" của hệ điều hành Android để đánh cắp thông tin đăng nhập và mật khẩu của tài khoản Intemet Banking ngân hàng, mã PIN, mã OTP rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, khi tài khoản bị chuyển tiền, nạn nhân hoàn toàn không biết (do đã bị chiếm quyền quản lý tin nhắn, thông báo từ ngân hàng).
Thời gian vừa qua, Công an TP HCM và công an cả nước đã xử lý rất nhiều những trường hợp này. Để tránh bị lừa đảo, người dân cần phải cập nhật kiến thức, thông tin về các vụ lừa đảo mà báo chí, truyền thông đưa tin.
10:02 - 05/06/2024
Khi nhận được thông tin khuyến mãi, giảm giá bất ngờ, người dân cần lưu ý những gì để tránh sập bẫy lừa đảo, thưa luật sư Trương Văn Tuấn?
Khi tiếp nhận thông tin sản phẩm khuyến mãi, tâm lý của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ rất thích. Tuy nhiên, người tiếp nhận các thông tin này cần phải xác minh thông tin. Ví dụ sàn bán hàng này có thật hay không, người b án hàng này có uy tín không...?
Không mua hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Tránh điền thông tin cá nhân của mình vào những đường link lạ. Thanh toán khi đã được kiểm tra, nhận hàng.
Luật sư Trương Văn Tuấn
10:04 - 05/06/2024
Người dân cần lưu ý điều gì khi cài đặt ứng dụng VNeID cũng như nhận các cuộc điện thoại yêu cầu làm "định danh điện tử mức 2, thậm chí là mức 3", thưa Thượng tá Nguyễn Minh Thơ?
Người dân cần lưu ý các nội dung quan trọng sau đây:
-Chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với người dân sử dụng điện thoại iPhone hệ điều hành iOS) hoặc trên CH Play (đối với người dân sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ các nguồn khác ngoài 2 nguồn trên.
-Không cung cấp thông tin cá nhân của mình, của người thân trong gia đình mình qua điện thoại cho bất kỳ ai mà chúng ta chưa biết.
-Trường hợp khi sử dụng ứng dụng VNeID bị phát sinh lỗi, phải hỏi ngay người thân có hiểu biết về ứng dụng VNeID trong gia đình hoặc liên hệ ngay CSKV phụ trách địa bàn hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bất kỳ ai ngoài những người trên.
10:13 - 05/06/2024
Thưa luật sư Trương Văn Tuấn, các biện pháp pháp lý để xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng hiện nay đã đầy đủ chưa?
Hành lang pháp lý của Việt Nam rất chặt chẽ. Tuy nhiên, ông cho rằng để hạn chế lừa đảo qua mạng cần "phòng hơn chống". Theo đó, cần tổ chức nhiều chương trình để tuyên truyền cho người dân. Bản thân mỗi người dân phải tự trang bị kiến thức để bảo vệ cho mình và người thân. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền cho người dân được hiểu, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo.
10:16 - 05/06/2024
Nói tóm lại, các thủ đoạn mà tội phạm mạng khiến nạn nhân sập bẫy là gì? Công an TP HCM có khuyến cáo gì cho người dân, thưa Thượng tá Lê Minh Hải ?
Từ các phương thức trên, chúng tôi khuyến cáo:
1. Qua thực tiễn phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, CATP nhận thấy: Tuy đối tượng phạm tội có nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhưng về cái đích chúng nhắm đến chính tài sản mà nạn nhân hiện có trên các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán trực tuyến,… Do đó, khi gặp những tình huống yêu cầu chúng ta thực hiện các hành động liên quan các loại tài khoản này hay cung cấp những thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký các loại tài khoản trên thì phải hết sức cảnh giác, lưu ý.
2. Người dân hết sức bình tĩnh, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại (nhất là các đầu số lạ), yêu cầu những người tự xưng là nhân viên tư pháp, cán bộ nhà nước hoặc yêu cầu liên hệ với cảnh sát khu vực; tuyệt đối không làm theo hướng dẫn: Như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, cài đặt ứng dụng trên các website...; không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; tuyệt đối không cài đặt các ứng dụng theo yêu cầu của đối tượng, không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển); báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.
3. Với các thủ đoạn kêu gọi đầu tư tài chính, tuyển dụng việc làm trực tuyến các đối tượng chủ yếu đánh vào "lòng tham" của bị hại. Chính vì vậy, người dân tuyệt đối cảnh giác trước các chiêu trò kêu gọi đầu tư tài chính hay các hình thức làm việc trực tuyến, "việc nhẹ lương cao" chủ động từ chối tham gia các hoạt động này.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức đấu tranh, phòng ngừa và tuyên truyền đến người dân để tránh sập bẫy các đối tượng lừa đảo.
10:23 - 05/06/2024
Những phân tích nãy giờ cũng đã giúp bạn đọc nhận diện rõ hơn về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng, vậy theo các luật sư, mỗi cá nhân cần làm gì để bảo vệ bản thân khỏi lừa đảo qua mạng? Cơ quan chức năng cần có những biện pháp gì để tăng cường hiệu quả phòng chống lừa đảo qua mạng?
Cá nhân mỗi người phải tự trang bị "áo giáp" khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng. Đây chính là những kiến thức về phòng, chống lừa đảo qua mạng và được phổ biến rộng rãi trên mạng. Mỗi người dân cần tìm đọc, nghiên cứu các thông tin, kiến thức này để mở rộng hiểu biết.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp để giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến lừa đảo qua mạng. Khi bị lừa hoặc có nguy cơ bị lừa đảo phải trình báo ngay cho cơ quan chức năng.
Luật sư Nguyễn Thành Công
10:37 - 05/06/2024
Làm sao để nâng cao sự phối hợp các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền đến người dân về kiến thức lừa đảo qua mạng, thưa luật sư Nguyễn Thành Công?
Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thì rất đa dạng, ví dụ như buổi Talkshow hôm nay là một cách tuyên truyền đến người dân.
Thông tin tuyên truyền từ lực lượng công an là rất chính xác, cho nên người dân phải tìm hiểu thông tin từ cơ quan công an để tránh rơi vào những chiếc bẫy được giăng sẵn. Các cuộc điện thoại giả danh công an đều yêu cầu người dân đến trụ sở, khi nạn nhân gọi lại, kẻ gian bắt đầu dẫn dắt vào hoạt động lừa đảo.
Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng vẫn là thông qua hoạt động tuyên truyền. Tuyên truyền là hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất nhằm nâng cao ý thức cho người dân để tự bảo vệ mình trước những chiêu lừa đảo tinh vi. Ngày nay, hầu như người dân nào cũng sử dụng điện thoại thông minh nên chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng sản xuất ra những đoạn phim ngắn về những chiêu trò lừa đảo để đăng tải lên Facebook, TikTok, Youtube. Tôi nghĩ những đoạn phim này chỉ vài chục giây nhưng hiệu quả rất cao bởi vì nếu người nào không đọc báo thì họ sẽ lướt mạng xã hội để xem.
10:44 - 05/06/2024
Nạn nhân của lừa đảo qua mạng có những quyền lợi gì được pháp luật bảo vệ? Làm sao để họ có thể lấy lại tài sản bị mất? Thủ tục để nạn nhân trình báo vụ việc và yêu cầu bồi thường thiệt hại như thế nào? Luật sư có thể hỗ trợ gì cho nạn nhân trong việc đòi lại tài sản và bồi thường thiệt hại?
Mọi công dân đều được bảo vệ, những thông tin thiệt hại, thông tin về nạn nhân đều được các cơ quan chức năng bảo vệ. Khi khám phá ra các vụ án, cơ quan điều tra đăng rộng rãi lên các cơ quan báo chí; tuy nhiên nạn nhân bị lừa thì nhiều nhưng số người trình báo thì rất ít.
Nhiều người dân còn có tâm lý e ngại thuận tiện thì ít mà khó khăn thì nhiều. Tuy nhiên người dân cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng, phối hợp với cơ quan công an vì nếu người dân không trình báo thì lực lượng công an sẽ gặp khó khăn hơn. Người dân cần phối hợp với công an, với các cơ quan có thẩm quyền vì sự phối hợp của người dân sẽ giúp hoạt động phá án sẽ thuận tiện hơn; làm rõ các sai phạm của đối tượng lừa đảo và giúp thu hồi tài sản cho người dân. Cung cấp đầy đủ các thông tin mình có được để cơ quan chức năng điều tra, xử lý, qua đó hỗ trợ lấy lại tài sản cho nạn nhân. Góp phần làm ổn định tình hình xã hội.
Mỗi người dân phải chung tay với cơ quan chức năng. Phải khai báo, hợp tác với cơ quan chức năng mà không được ngại phiền phức.
11:31 - 05/06/2024
Thưa luật sư Nguyễn Thành Công, luật sư có thể phân tích thêm về các chiêu trò lừa đảo đầu tư, tiền ảo phổ biến hiện nay là gì? Các hình thức lừa đảo đầu tư, tiền ảo thường đánh vào tâm lý nào của nạn nhân? Nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia các hình thức đầu tư này?
Lừa đảo mạng hiện nay gồm 2 hình thức chính là tiền ảo và đầu tư. Hiện nay, nước ta chưa công nhận tiền ảo. Các dạng đầu tư là quyền của công dân. Cho nên các dạng đầu tư, kể cả đầu tư tiền ảo mặc dù nhà nước không cấm nhưng hành vi này của người dân vẫn phát triển rộng rãi với những sàn tiền ảo, những sàn đầu tư.
Quản lý nhà nước hiện nay vẫn còn giới hạn trong việc quản lý chặt đối với các dạng đầu tư, đặc biệt là đầu tư với công cụ, phương tiện là internet. Trong thế giới internet rộng rãi và có nhiều công cụ thì ngoài những người lập sàn hoặc những sàn giao dịch điện tử, hoặc những sàn đầu tư hợp pháp thì còn rất nhiều "bẫy lừa đảo" để bẫy nạn nhân.
Với hình thức đầu tư truyền thống thì việc đầu tư được quản lý và khống chế dễ dàng. Nhưng với công cụ, phương tiện hiện nay là một thế giới rộng mở bằng internet có thể thấy các hoạt động đầu tư, kêu gọi đầu tư mang tính rộng hơn rất nhiều hàng trăm lần so với trước đây.
Cơ quan chức năng xác định có khoảng 24 dạng đầu tư để lừa đảo qua mạng với 3 hình thức chính: đầu tư tiền ảo; đầu tư sàn ảo; tác động vào tâm lý. Với 3 hình thức này có thể phát triển ra rất nhiều đối tượng mà từ đó tạo thành hệ thống mà những kẻ lừa đảo đã dựng lên để biến những người ngây thơ, đơn giản trong suy nghĩ nhưng lại muốn đầu tư.
Việc lôi kéo nạn nhân tham gia vào các sàn tiền ảo hoặc sàn đầu tư rất dễ dàng. Nạp tiền thật biến thành tiền ảo rồi sau đó đầu tư và rút ra được tiền thật. Đó là các thức, thủ đoạn mà những kẻ lừa đảo sử dụng để lôi kéo. Và diễn biến của loại hình tội phạm lừa đảo qua mạng sẽ còn phát triển trong thời gian tới.
11:49 - 05/06/2024
Thưa luật sư Nguyễn Thành Công, khung pháp lý hiện hành có những quy định nào để xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng? Các mức hình phạt đối với tội phạm lừa đảo qua mạng?
Theo quan sát và nghiên cứu của tôi, tôi nghĩ pháp luật hình sự là nghiêm khắc nhất và đã quy định rất rõ về xử lý các trường hợp này. Rõ nhất là điều 174 về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và điều 290 về tội "Sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Đây là 2 tội danh cơ bản liên quan đến lừa đảo qua mạng vì dấu hiệu lừa đảo khá rõ. Mức hình phạt cao nhất tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là chung thân; trong khi đó tội "Sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" mức án lên đến 20 năm.
Nếu hành vi khác nhau sẽ được điều chỉnh bởi các tội danh khác nhau, cũng có thể ngoài hai tội danh này có thể xử lý tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc một số tội khác về chiếm đoạt tài sản. Chúng ta có thể thấy hiện nay các quy định của pháp luật đã khá chặt chẽ.
12:01 - 05/06/2024
Quy trình tố cáo và xử lý tội phạm lừa đảo qua mạng diễn ra như thế n ào? Người dân cần liên hệ ở đâu để báo cáo và được hỗ trợ khi phát hiện hoặc đã bị lừa đảo, thưa luật sư Trương Văn Tuấn?
Trong trường hợp người dân bị lừa đảo qua mạng có thể tố giác tội phạm thông qua cơ quan điều tra các cấp và viện kiểm sát nhân dân các cấp. Ngoài ra còn có cơ quan công an phường/xã là đơn vị đầu mối tiếp nhận các thông tin về tố giác tội phạm.
Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi. Hậu quả của lừa đảo qua mạng là vô cùng to lớn. Nạn nhân không chỉ bị mất mát tài sản mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thậm chí là sức khỏe tinh thần.
Lừa đảo qua mạng còn gây mất an ninh mạng, cản trở hoạt động kinh doanh online và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc nâng cao nhận thức và chung tay đẩy lùi tệ nạn này là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Key word:
talkshow, nhận diện lừa đảo qua mạng
Nguồn:
Download